Chuyển đến nội dung chính

Tuyển Indonesia rối loạn: Tất cả chống lại Shin Tae Yong

 

Chính sách nhập tịch chưa thể giúp Indonesia chiến thắng ở giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2026, khiến tương lai Shin Tae Yong không đảm bảo.

Trượt dốc

Hành trình của Indonesia ở giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra khá ấn tượng, khi buộc Saudi Arabia chia điểm trên sân khách, rồi đẩy Australia vào cảnh phải thay HLV.



Indonesia trở lại mặt đất. Ảnh: JFA

Ở lượt trận thứ 3, Indonesia thi đấu rất hay và chỉ có trọng tài mới khiến đội quân của HLV Shin Tae Yong rơi điểm trước Bahrain.

Từ chỗ bay cao, Indonesia trượt dốc. Garuda để thua trong 2 trận gần nhất với rất nhiều vấn đề xuất hiện.

Trong chuyến làm khách trên sân Trung Quốc tháng trước, Indonesia đặt mục tiêu giành chiến thắng để tạo đà tâm lý đua vé World Cup 2026, nhưng phải nhận những bàn thua dễ dàng.

Mới đây, trên sân nhà Bung Karno, 60.304 khán giả tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt cũng không thể giúp đội bóng 6 lần về nhì ở AFF Cup tránh khỏi trận thua đậm 0-4 trước Nhật Bản.

Trận thua Nhật Bản cũng chỉ ra một thực tế: chất lượng cầu thủ nhập tịch của Indonesia còn lâu mới sánh được với các nền bóng đá hàng đầu châu lục.

Chính sách nhập tịch ồ ạt giúp Indonesia có đội ngũ tốt so với mặt bằng Đông Nam Á, nhưng để kết hợp họ thành tập thể cho tham vọng dự World Cup là câu chuyện khác.

Hơn nữa, chiến lược mà LĐBĐ Indonesia (PSSI) thực hiện đang thiếu sự cân bằng. Có rất nhiều hậu vệ nhập tịch, trong khi cầu thủ tấn công thì hạn chế.

Struick không hiệu quả trên hàng công Indonesia. Ảnh: JFA

Đó là lý do ông Shin Tae Yong luôn phải dựa vào tiền đạo trẻ Rafael Struick, người mới chỉ ghi 1 bàn sau 20 trận quốc tế.

Hơn nữa, việc các cầu thủ nhập tịch được ưu ái suất đá chính làm giảm tính cạnh tranh. Hệ quả là tâm lý thi đấu của Indonesia không ổn định, đồng thời hàng thủ rất dễ sụp đổ.

Câu hỏi với Shin Tae Yong 

Những kết quả ban đầu tạo nên sự kỳ vọng lớn ở Indonesia. Mọi người nói rất nhiều về cơ hội trở lại World Cup, giải đấu mà họ góp mặt lần đầu tiên vào năm 1938 (đội châu Á đầu tiên dự giải VĐTG).

Chính điều này tạo áp lực đối với các cầu thủ. Bản thân Shin Tae Yong cũng vậy, và hiện ông đang chịu nhiều chỉ trích.

Một cách chính xác hơn, bóng đá Indonesia đang chia làm hai luồng ý kiến, một bảo vệ Shin Tae Yong, một cho rằng nên chia tay nhà cầm quân người Hàn Quốc.

PSSI vừa gia hạn hợp đồng với Shin Tae Yong đến 2027. Tuy nhiên, khả năng nhà cầm quân từng dự World Cup 2018 tiếp tục dẫn Garuda đang bị đặt câu hỏi lớn.

Đang có làn sóng kêu gọi chia tay chiến lược gia 54 tuổi khi Indonesia xếp chót bảng C, hy vọng đến Bắc Mỹ trở nên nhạt nhòa.



HLV Shin Tae Yong bị đổ lỗi cho kết quả kém của Indonesia. Ảnh: PSSI

Raja Isa, HLV người Malaysia nổi tiếng tại giải VĐQG Indonesia, có cái nhìn khác. “Shin Tae Yong thực sự hiểu cách áp dụng chiến thuật. Không thể chơi theo cùng một lối chơi khi đối thủ khác biệt”.

Theo Raja Isa, Shin Tae Yong vẫn đang làm tốt công việc. Cần phải nhìn nhận vào một thực tế là chất lượng của Garuda chưa tiếp cận được những đội tuyển mạnh nhất châu lục.

Một vấn đề khác là chính các cầu thủ nhập tịch, đều đến từ châu Âu có nền bóng đá phát triển hơn, thiếu cái nhìn phù hợp về đối thủ. Hệ quả là một số người lúng túng khi thi đấu.

Indonesia sẽ có cuộc tiếp đón Saudi Arabia vừa thay tướng (19h ngày 19/11). Tương lai Shin Tae Yong rất có thể sẽ phụ thuộc vào sự thể hiện của Garuda ở trận đấu này.

Nhận xét