Đội tuyển Indonesia có tham vọng tranh vé World Cup 2026 nhờ chính sách nhập tịch, nhưng cũng xuất hiện câu hỏi lớn về AFF Cup 2024.
AFF Cup 2024 đang đến gần, khi tuyển Việt Nam sẽ có trận ra quân vào 9/12. Đội bóng của HLV Kim Sang Sik nằm ở bảng B cùng Indonesia, Philippines, Myanmar và Lào. Trước khi bước vào giải đấu này, hãy cùng Thể Thao VietNamNet tìm hiểu về các đối thủ của tuyển Việt Nam…
BÀI 1: TUYỂN INDONESIA – KHÁT VỌNG WORLD CUP VÀ HOÀI NGHI AFF CUP
Đội tuyển Indonesia có tham vọng tranh vé World Cup 2026 nhờ chính sách nhập tịch, nhưng cũng xuất hiện câu hỏi lớn về AFF Cup 2024.
Không ngừng nhập tịch vì World Cup
Bất chấp nhiều ý kiến khác nhau, đội tuyển Indonesia vẫn theo đuổi chính sách nhập tịch để nâng tầm sức mạnh cho những tham vọng lớn.
LĐBĐ Indonesia (PSSI) và chủ tịch Erick Thohir tích cực hướng các tuyển trạch viên đến châu Âu, mà tâm điểm là Hà Lan, để tìm kiếm cầu thủ có nguồn gốc xứ vạn đảo.
Indonesia thay đổi nhờ cầu thủ nhập tịch. Ảnh: PSSIMới nhất là Miliano Jonathans, tài năng tấn công 20 tuổi người Hà Lan thi đấu rất hay trong màu áo đội trẻ Vitesse Arnhem.
PSSI đã liên hệ với gia đình Jonathans để thảo luận kế hoạch khoác áo Indonesia. Bên cạnh đó, ông Thohir tự tin sắp hoàn tất nhập tịch Kevin Diks.
Diks được nhắc đến từ lâu và làm cho người hâm mộ Indonesia phấn khích khi cùng Copenhagen đánh bại MU 4-3 mùa trước ở Champions League.
Nếu Diks hoàn tất thủ tục thi đấu, Indonesia sẽ mạnh hơn rất nhiều. Trung vệ 28 tuổi từng có kinh nghiệm chơi bóng ở Serie A, thành viên U21 Hà Lan, cũng như góp mặt các cúp châu Âu.
Bất chấp một số ý kiến chỉ trích PSSI về việc mất cơ hội cho các cầu thủ sinh ra tại Indonesia, nhưng thực tế là Pasukan Garuda đang hưởng lợi từ chính sách nhập tịch.
Sự hiện diện của những Jay Idzes, Sandy Walsh, Calvin Verdonk, Thom Haye, Ivar Jenner, Nathan Tjoe-A-On, Ragnar Oratmangoen, Rafael Struick… đang giúp Indonesia viết trang mới trong lịch sử của mình.
Chính Walsh, Oratmangoen và Struick mang về những điểm đầu tiên cho Indonesia trong lịch sử tham dự giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2026, với các bàn thắng vào lưới Saudi Arabia hay Bahrain.
Indonesia thậm chí có thể thắng Bahrain nếu trọng tài Ahmed Al-Kaf (Oman) không có quyết định tranh cãi về việc kéo dài thời gian bù giờ.
Việc thua Trung Quốc khiến giấc mơ World Cup 2026 của Indonesia bị ảnh hưởng. Đó cũng là bài học để các học trò HLV Shin Tae Yong giữ đôi chân trên mặt đất sau khi đá ngang ngửa các đội hàng đầu châu Á.
Tháng sau, trên sân nhà Bung Karno cuồng nhiệt, Indonesia muốn làm nên lịch sử khi lần lượt tiếp Nhật Bản (15/11) và Saudi Arabia (19/11).
Câu hỏi AFF Cup
Từ giấc mơ World Cup đến hành trình ASEAN Championship – tên gọi mới của AFF Cup – tồn tại nhiều vấn đề mà PSSI và Shin Tae Yong lo ngại.
Giải đấu vô địch bóng đá Đông Nam Á diễn ra trong thời gian 8/12/2024 – 5/1/2025, khiến Indonesia khó triệu tập những cầu thủ nhập tịch tốt nhất.
Việc AFF Cup thi đấu không trùng với lịch quốc tế của FIFA đồng nghĩa với việc các CLB có quyền không nhả cầu thủ.
Vòng bảng AFF Cup 2024 bắt đầu khi các giải VĐQG châu Âu đang diễn ra gay cấn. Ngoài ra, Thai League cũng thi đấu và đội trưởng Asnawi Mangkualam là thành viên của Port.
PSSI có thể đàm phán với các CLB châu Âu để triệu tập các cầu thủ cho giai đoạn knock-out. Khi ấy, một số giải đã bước vào kỳ nghỉ đông.
Tuy nhiên, khả năng nhận được sự đồng ý là không cao. Các cầu thủ từ châu Âu sang Đông Nam Á thi đấu sẽ phải di chuyển dài, thay đổi múi giờ và thời tiết nên nguy cơ chấn thương rất cao.
Đây là lý do chủ tịch Thohir muốn nhập tịch nhiều nhất có thể, để hy vọng triệu tập được đội hình lý tưởng cho AFF Cup 2024.
Sau 6 lần ngậm ngùi vị trí á quân, Indonesia đang khao khát được nâng cao chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử. Một nhiệm vụ có phần gian nan.
Nhận xét
Đăng nhận xét