“Alo, Tshamala đang bận trộn hồ, cất nhà cho bà chị chút, có gì xíu nữa gọi lại nhé người anh em”, cựu tiền đạo của Long An, Tshamala Kanbanga nói với tôi trong cuộc gọi chiều qua.
Tshamala Kanbanga - Cựu tiền đạo của CLB Bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An (nay là CLB Long An) bị tai nạn tối 15/11. Trên đường đi làm về, anh bị bọn xấu giật túi xách. Sau đó, Tshamala Kanbanga tăng ga đuổi theo, không may tông vào trụ điện, té ngã, chấn thương rất nghiêm trọng. Hiện Tshamala Kanbanga đang cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM. |
Một người Việt đích thực
Ý định của tôi là gọi cho Tshamala xem anh có đi dạy học hay không, để có một cuộc hẹn phỏng vấn trên sân tập Phú Thọ (TP.HCM). Cũng nói thêm, sau khi giải nghệ, cựu tiền đạo của Long An về đầu quân cho Trung đào tạo trẻ S&A Academy được thành lập bởi cựu tuyển thủ U23 Việt Nam, Đoàn Hoàng Sơn và Apisit, trợ lý của cựu HLV đội tuyển Thái Lan, Kiatisuk Senamuang. Cuộc gọi vừa rung chuông, Tshalama bốc máy liền tay. Chưa kịp hỏi han, anh đã lên tiếng: “Tshamala đang bận trộn hồ, cất nhà cho bà chị chút, có gì xíu nữa liên lạc nha người anh em”.
Đợi mãi, cuối cùng Tshamala cũng gọi lại. Anh nói một hơi không ngớt: “Có gì thông cảm cho Tshamala, bận lo giúp bà chị cất nhà quá nên không có nhiều thời gian. Mấy nay do dịch Covid-19 nên Tshamala chỉ đi dạy vào thứ Bảy và Chủ nhật, còn lại ở dưới quê. Có gì lên Sài Gòn gọi cà phê hoặc lai rai vài chia bia cũng được”. Thực ra, tôi biết anh chàng người Congo “gõ đầu trẻ” đã lâu nhưng không ngờ, anh lại có thể sắm luôn vai… thợ hồ. Mà theo như Tshamala tiết lộ thì: “Dịch thế này đói lắm, nghề gì cũng làm, ai kêu gì làm đó”.
Lâu lắm rồi không gặp, tôi thực sự ngạc nhiên với vốn tiếng Việt có thể luyến láy, nói cả “tiếng lóng” của Tshamala. Lại nhớ năm 2011, trong một giải đấu giao hữu tại Gia Lai, nửa đêm Tshamala rủ tôi và đám bạn đi hát karaoke. Dù đã cà phê, nói bao chuyện trên trời dưới biển nhưng tôi vẫn phải “giật mình” khi nghe Tshamala hát. Trong đó, có bài “Ước gì” của Mỹ Tâm được anh thể hiện rất ngọt, chỉn chu từng nốt. Chính nhờ vốn tiếng Việt ấy mà cựu tiền đạo của Long An nhận được nhiều thiện cảm từ hàng xóm đang sống ở Bến Lức và có lẽ nó cũng là lý do giúp anh tìm được một công việc như ý ở thời điểm hiện tại.
Chẳng có lý do gì để về quê
Tshamala đầu quân cho Long An năm 2004, nhưng chỉ một năm sau anh được cho Quảng Nam mượn chơi tại giải hạng Nhất. Tshamala trở lại Long An sau một năm biệt phái rồi gắn bó đến 6 mùa giải với đội bóng của ông bầu Võ Quốc Thắng. Trong thời gian thanh xuân, Tshamala là một trong những ngoại binh đáng xem nhất của V.League. Anh đã giành 1 chức vô địch V.League vào năm 2006 và 2 ngôi á quân V.League vào các năm 2007, 2008.
Tuy nhiên, những chấn thương đã khiến Tshamala không còn giữ được phong độ cao. Năm 2012, Long An quyết định nói lời chia tay với ngoại binh này. Tshamala đã thử sức ở nhiều đội bóng khác, nhưng anh không tìm được chỗ đứng. Trong sự thất vọng tột cùng, tiền đạo người Congo nhận được cuộc gọi từ một người quen rủ sang Lào chơi bóng cho CLB Champasak. Sau này kể lại, Tshamala nói rằng, đó thực sự là quãng thời gian đáng quên với anh. Đoàn Hoàng Sơn, người kéo Tshamala trở lại Việt Nam chính là người hiểu hơn ai hết về đồng nghiệp một thời này.
“Tôi biết Tshamala đã lâu, nhưng thật tình chẳng ngờ cậu ấy lại khổ đến vậy. Tshamala lại bị nợ lương, tiền ăn trong 7-8 tháng. Tôi quyết định kéo cậu ấy về Việt Nam và tìm cho cậu ấy một công việc. Đó là lý do, Tshamala đang làm việc cho Trung đào tạo trẻ S&A Academy của chúng tôi”, cựu tuyển thủ U23 Đoàn Hoàng Sơn chia sẻ.
Ở Việt Nam, ngoài tiền đạo Đặng Amaobi đang dạy các lớp bóng đá cộng đồng, Tshamala là thầy giáo bóng đá nước ngoài hiếm hoi nhận được sự tin cậy. Khi được hỏi, HLV Đoàn Hoàng Sơn khẳng định: “Tshamala là người nói tiếng Việt rất tốt, đáp ứng được mặt ngôn ngữ cơ bản. Cậu ấy còn cầu thị và chịu khó. Quan trọng hơn cả, Tshamala dành tất cả tâm huyết cho học trò. Đó là điều không phải HLV nào cũng có được dù rằng, kỹ năng sư phạm của Tshamala có phần hạn chế”.
Cái tên Tshamala hiện không còn xa lạ với các sân “phủi” dành cho các lão tướng. Sự vui vẻ và dễ gần giúp anh nhận được sự yêu mến của nhiều người. Vợ chồng Tshamala hiện sống ở Bến Lức (Long An). Quãng đường phải chạy xe máy từ chỗ ở lên TP.HCM không hề gần, nhưng với Tshamala, nó chẳng có gì to tát. “Quan trọng là tôi có một công việc ưa thích và được nhiều người hỗ trợ. Cuộc sống ở Việt Nam với tôi đang rất tuyệt cho nên chẳng có lý do gì để trở về Congo cả”, Tshamala khép lại câu chuyện.
Suýt được nhập tịch Việt Nam VÀI NÉT VỀ TSHAMALA KABANGA CÁC CLB ĐÃ QUA THÀNH TÍCH |
Nhận xét
Đăng nhận xét