Theo cựu trung vệ tuyển Việt Nam Nguyễn Mạnh Dũng, các cầu thủ Việt Nam hiện tại thiếu khát khao phấn đấu mà phần lớn động lực của họ là vì tiền.
Mùa giải 2024-2025 có nhiều cầu thủ xuống Giải Hạng nhất thi đấu, đặc biệt là Quả bóng Vàng - Nguyễn Hoàng Đức và thủ môn tuyển Việt Nam, Đặng Văn Lâm. Theo anh, việc này là do hết động lực cống hiến ở môi trường đỉnh cao hay vì tài chính chi phối?
- Trước hết, tôi muốn nói về giá trị cầu thủ Việt Nam, họ chỉ lên đỉnh cao ở tuổi 26-29 là đi xuống. Nguyên nhân là chín ép, do thể trạng con người Việt Nam, thể lực không thể bền bỉ như cầu thủ châu Âu, châu Phi… Do đó, những Hoàng Đức hay Đặng Văn Lâm bây giờ họ cũng đã đến tuổi rồi, mục tiêu của họ là giữ phong độ, hình ảnh để kiếm tiền.
Tôi lấy ví dụ, tiền vệ Oscar (Brazil) khi 25 tuổi cũng từ bỏ môi trường bóng đá đỉnh cao ở Anh để sang Trung Quốc thi đấu vì được trả nhiều tiền. Do đó, như Hoàng Đức nói, ai cũng cần tiền để lo cuộc sống nên việc cậu ấy chọn Giải Hạng nhất cũng không có gì đáng trách.
. Anh có nghĩ xuống Hạng nhất là bước lùi của sự nghiệp, sự cạnh tranh không còn lớn và cầu thủ sẽ mất đi phong độ, cảm giác chơi bóng đá đỉnh cao không?
- Tất nhiên, như Oscar sau khi sang Trung Quốc chơi bóng thì cánh cửa đội tuyển Brazil không còn mở với cậu ta. Hay như Kiatisuk, Dusit từng từ bỏ bóng đá Thái Lan để sang HAGL thi đấu ở Hạng nhất. Nhưng khi đó, Kiatisuk hay Dusit đã ngoài 30 tuổi, họ đến Việt Nam để kiếm tiền.
Còn với Hoàng Đức, tuổi 26, phong độ vẫn đỉnh cao, sự sung mãn vẫn còn thì việc xuống chơi ở hạng thấp hơn là chuyện khác. Nhưng Đặng Văn Lâm đã tiên phong xuống Hạng nhất. Hoàng Đức cũng tiếp bước khi bến đỗ mới mang lại cho cậu ấy rất nhiều giá trị về kinh tế.
Có điều tôi muốn nói, thời chúng tôi đá bóng, hễ được ra sân là cháy hết mình, sau mỗi pha bóng thì thích được khán giả ồ lên. Đó là tinh yêu và là tinh thần chiến đấu với quả bóng. Còn cầu thủ hiện tại, cầu thủ họ suy nghĩ nhiều hơn, đá bóng ít bản sắc hơn, tất cả cũng chỉ để giữ hình ảnh để kiếm tiền.
Còn ở Giải Hạng nhất thì rõ ràng là một môi trường bóng đá cách biệt khá lớn với V-League, nên để giữ được phong độ đỉnh cao, cảm giác chơi bóng thăng hoa ở giải này, tôi nghĩ sẽ rất khó cho cầu thủ. Và điển hình là những năm qua, tuyển Việt Nam hầu như không có cầu thủ được triệu tập từ các đội Hạng nhất.
. Nói như anh, cầu thủ Việt Nam bây giờ chỉ lo nghĩ cho bản thân mà không vì cái chung của bóng đá Việt Nam?
- Nếu lo cho bóng đá Việt Nam thì để các nhà quản lý lo. Còn cầu thủ, họ tất nhiên có gia đình nên phải lo cho cuộc sống của bản thân. Nhưng tôi nói thật, cầu thủ chúng ta để đòi hỏi suy nghĩ của họ cao hơn là không thể. Tôi chỉ thấy các lứa cầu thủ sau này, với những danh hiệu trong nước, SEA Games và AFF Cup là ảo tưởng về sức mạnh của mình. Nếu họ suy nghĩ tiến bộ hơn, xuất ngoại thi đấu và tồn tại được ở các giải nước ngoài như cầu thủ Thái Lan rồi hãy giúp bóng đá Việt Nam.
Tóm lại, tôi thấy cầu thủ Việt Nam, kể cả những cầu thủ dưới thời HLV Park Hang-seo, dù vẫn còn phong độ nhưng lại không còn khát khao chiến thắng. Họ bây giờ chỉ tập trung giữ hình ảnh, giữ vị trí với động lực duy nhất là… tiền.
. Anh có lo cho tuyển Việt Nam khi ASEAN Cup (AFF Cup) đã cận kề nhưng quá trình chuẩn bị không được như chờ đợi dưới thời HLV Kim Sang-sik?
- Tôi chẳng có gì phải lo lắng cả vì sân chơi Đông Nam Á này. Khi nào chúng ta không vào bán kết thì mới là chuyện lạ. Nếu vào bán kết và chung kết, vô địch thì mới đáng nói. Điều quan trọng là chúng ta đá với ai, lối chơi như thế nào mới là điều cần quan tâm.
HLV Kim đang trong quá trình chắp nối giữ thế hệ cầu thủ. Ông sử dụng những con người cũ của ông Park nhưng lại hết động lực, thiếu khát khao. Chắp nối những cầu thủ trẻ của thời ông Troussier nhưng thiếu kinh nghiệm và sự khôn ngoan, khiến tuyển Việt Nam rối tung cả lên.
Trừ Indonesia thay đổi quá mạnh dưới chính sách nhập tịch thì tôi không đề cập. Nhìn đến tuyển Thái Lan, họ luôn thay đổi, không còn nhiều cầu thủ cũ nữa mà đội hình rất mới mẻ và minh chứng là thắng Việt Nam ở giải giao hữu vừa rồi.
Tóm lại, chúng ta thiếu cầu thủ trẻ để tiếp nối trong giai đoạn chuyển giao. Chúng ta không suy yếu mà chúng ta giậm chân tại chỗ. Ngược lại, đối thủ thay đổi và luôn hướng đến sự phát triển. Vì thế, có lo lắng cũng không giải quyết được gì.
0 Nhận xét